Tướng, chiêu thức và hiệu ứng khống chế là yếu tố cơ bản mà mọi người chơi LMHT cần biết nhưng khó có thể ghi nhớ ngay lập tức.
Trong ngày đầu tiên của series “30 ngày và mọi thứ về LMHT”, chúng ta đã tìm hiểu về những setting và sự chuẩn bị cơ bản trước khi chơi LMHT. Tiếp nối cho những thông tin cơ bản đó, trong ngày thứ hai, hãy cùng mình tìm hiểu về các vị tướng trong LMHT, chiêu thức của chúng, hiệu ứng khống chế và một chút về sự tương quan giữa chúng. Bật mí rằng đây sẽ là một ngày mà các bạn cần chơi game đủ lâu để có thể ghi nhớ kỹ càng nhất nhé.
Tướng và Kỹ năng
Tính cả Hwei vừa mới ra mắt, hiện tại LMHT có tổng cộng 166 vị tướng với tác dụng khác nhau. Mỗi vị tướng sẽ mang lại những giá trị khác nhau trong chế độ 5vs5 và được sử dụng tại các khu vực trên bản đồ bao gồm Đường trên, Đi rừng, Đường giữa, Xạ thủ và Hỗ trợ. Rất nhiều vị tướng có thể sử dụng ở các vị trí khác nhau như Yone tại đường trên và đường giữa, Tristana tại đường giữa và xạ thủ… Từ đó, chúng ta cần lựa chọn cách thi đấu và lối chơi phù hợp.
Có những vị tướng sở hữu nhiều kỹ năng như Hwei hay các tướng biến hình nhưng phần lớn trong đó là với 4 kỹ năng cơ bản được thiết lập mặc định ở các phím là Q-W-E-R và một nội tại riêng biệt. Kết hợp với nhau, chúng ta có thể tạo ra những combo giúp gây sát thương hay bắt chết một mục tiêu nào đó một cách mượt mà nhất.
Để hiểu một vị tướng và nắm bắt chiêu thức nhằm thi đấu cũng như cảnh giác với kẻ địch, không có cách nào ngoài việc chúng ta chơi LMHT thật nhiều và làm quen với trò chơi, vị tướng đó. Từ từ rút ra kinh nghiệm để sử dụng cũng như hiểu được sức mạnh và giá trị mà vị tướng đó có thể mang lại.
Giống như câu nói nổi tiếng “Biết địch biết ta, trăm trận không nguy”, việc hiểu được giá trị của mình và đối thủ là yếu tố tiên quyết để chúng ta không gặp nguy hiểm và chạm gần hơn tới chiến thắng. Một điều quan trọng và không có cách nào khác, các bạn cần phải chơi game đủ lâu, rút kinh nghiệm bằng việc đọc kỹ năng của chúng và thông hiểu mọi thứ dần dần.
Khi các bạn chơi game đủ lâu và hiểu hơn về trò chơi, các bạn sẽ thấy được sự tương quan giữa các vị tướng, kỹ năng và xa hơn là mọi kèo đấu. Ví dụ như kèo đấu nào là kèo khắc chế, kèo nào thiên về kỹ năng, tại sao nên pick vị tướng này đối đầu với vị tướng kia, kèo đấu này sẽ kết thúc như thế nào, mình có lợi thế ở cấp độ nào hay trao đổi chiêu thức, all in như thế nào… Tất cả mọi thứ về cơ bản đều có câu trả lời, chỉ là bạn có thực sự hiểu những gì mình đang chơi và cải thiện nó hay không.
Hiệu ứng khống chế
Kỹ năng của các vị tướng trong LMHT luôn đi kèm các hiệu ứng bất lợi hướng tới kẻ địch hay chúng ta thường gọi là Hiệu Ứng Khống Chế và được viết tắt là CC. Sẽ có nhiều các phân loại nhưng cách phổ biến và dễ nhận biết nhất có lẽ sẽ là Khống Chế Cứng và Khống Chế Mềm.
Các hiệu ứng “Khống Chế Cứng” trong LMHT tương đối đa dạng và điểm khác biệt lớn nhất giữa Khống chế Cứng và Khống chế mềm là hiệu ứng đó có gây Bất Động tướng địch hay không? Chúng ta có thể hiểu đơn giản là Khống chế ứng là các hiệu ứng giữ chân kẻ địch tại một vị trí và cấm chúng sử dụng đòn đánh và kỹ năng.
Các hiệu ứng Khống chế cứng bao gồm:
– Trên Không (Airborne): Mục tiêu sẽ bị hất tung lên không trung hoặc bị ép di chuyển đến một vị trí cụ thể.
- Hất Tung: Q3 Yasuo, R Malphite…
- Hất Văng: E Vayne, W Alistar
- Kéo: Q Thresh, Q Blitzcrank
– Làm Choáng (Stun): Đây là hiệu ứng khống chế cứng cơ bản nhất với khả năng làm choáng kẻ địch.
– Bắt Buộc Hành Động (Forced Action): Buộc kẻ địch hành động mà chúng không thể tự chủ trong quá trình điều khiển và thao tác.
- Mê Hoặc (Charm): E Ahri, W Evelynn
- Hoảng Sợ (Fear/Flee): Q Fiddlestick, E Nocturne, EQ Hwei
- Khiêu Khích (Taunt): E Rammus, Shen
- Cuồng Loạn (Berserk): R Renata
– Tĩnh (Stasis): Hiệu ứng bất động mà khi chúng chiêu sẽ không thể làm bất kỳ điều gì, thậm chí là giải thuật. Đó là hiệu ứng của Đồng Hồ Cát hoặc R Bard.
– Ngủ (Sleep): Giống với làm choáng trước khi Ngủ sẽ nhận khống chế mềm là Buồn Ngủ.
– Áp Chế (Suppression): Mục tiêu sẽ không thể làm gì, không thể giảm giá trị dựa vào kháng hiệu ứng mà cần đồng đội khống chế kẻ địch đang áp chế hoặc sử dụng khăn giải thuật.
*Các hiệu ứng Khống Chế Cứng bao gồm Làm Choáng, Bắt Buộc Hành Động, Ngủ có thể được giải bởi các giải thuật thông thường như điểm Kháng Hiệu Ứng, Thanh Tẩy, Khăn Giải Thuật, Hòm Bảo Hộ Mikael… Áp Chế có thể giải bằng Khăn Giải Thuật còn Trên Không thì bắt buộc cần các kỹ năng đặc biệt như R Olaf, W Gangplank còn trạng thái Tĩnh sẽ không thể giải.
Còn lại là các hiệu ứng “Khống Chế Mềm”, chúng khá đa dạng và sẽ có những tác dụng riêng biệt:
– Làm Chậm (Slow): Giảm tốc độ di chuyển của đối thủ
– Trói Chân (Root/Snare): Kẻ địch trúng chiêu không thể di chuyển và bị hạn chế sử dụng một số kỹ năng và phép bổ trợ dạng lướt hoặc dịch chuyển
– Mù (Blind): Không thể gây sát thương bằng đòn đánh thường và kỹ năng mang hiệu ứng đòn đánh như W Jax, W TF…
– Giảm Tốc Độ Đánh (Cripple): Giảm tốc độ đánh của kẻ địch
– Cấm Đánh (Disarm): Cấm đối thủ tung ra đòn đánh thường, một hiệu ứng không thường xuất hiện và đi kèm với một số hiệu ứng khác
– Câm Lặng (Silence): Trái ngược với Cấm Đánh, cấm đối thủ tung kỹ năng và ngắt kỹ năng dạng vận chiêu của chúng như R Karthus. Chúng cũng không thể dùng Tốc Biến
Xem thêm: 30 ngày và mọi thứ về LMHT – Ngày 1: Setting và Set up
Facebook: Hiệu ứng khống chế
– Buồn Ngủ (Drowsy): Giảm tốc độ di chuyển trước khi rơi vào trạng thái Ngủ.
– Sa Lầy (Ground): Kẻ địch trong tầm ảnh hưởng của Sa Lầy sẽ không thể sử dụng kỹ năng phép bổ trợ hay trang bị hỗ trợ thao tác dịch chuyển, lướt hay nhảy.
– Hút (Kinematics): Dạng hiệu ứng đặc biệt liên tục hút mục tiêu vào một vị trí cụ thể. Các hoạt động vẫn có thể sử dụng bình thường và không cần giải thuật mà chỉ cần di chuyển ra khỏi tầm ảnh hưởng.
– Cận Thị (Nearsight): Hiệu ứng giảm tầm nhìn và chỉ thấy một khoảng nhỏ khi trúng chiêu.
*Phần lớn các hiệu ứng Khống Chế Mềm đều có thể được giải bằng các hiệu ứng giải thuật thông thường như Khăn Giải Thuật, Thanh Tẩy, điểm kháng hiệu ứng. Trừ Cận Thị khi không thể giải bằng Thanh Tẩy.