Đổi đường lv1 hay đảo đường đang là meta thống trị MSI 2024 khi một đội không muốn phải thi đấu một kèo đấu thua thiệt hoàn toàn.
MSI 2024 đã chính thức khởi tranh với các đội tuyển xuất sắc từ khắp các khu vực trên thế giới. Chúng ta đã trải qua lượt trận đầu tiên tại hai bảng A, B tại Vòng Khởi Động. Đã không có bất ngờ nào xảy ra khi các đội tuyển là FLY, T1, FNC và TES đều vượt qua đối thủ của mình. Có lẽ cặp trận giữa FLY và PSG là căng thẳng nhất và điều này cũng phần nào được dự đoán khi sức mạnh của hai đội không có nhiều khoảng cách, thậm chí nhiều người còn đánh giá PSG Talon cao hơn.
Đây cũng là cặp trận mở màn cho MSI 2024, không chỉ hấp dẫn mà hai đội còn mang lại một lối chơi đã được nhiều đội tuyển áp dụng xuyên suốt những trận đấu sau đó. Có lẽ nếu đã theo dõi MSI 2024, các bạn cũng có thể dễ dàng nhận thấy đó chính là meta đổi đường lv1. Vậy lối chơi này có gì đặc biệt và hai đội sẽ được và mất gì, áp dụng như thế nào khi đổi đường lv1, cùng mình tìm hiểu và học hỏi điều gì đó nhé.
Khi nào/tác dụng đổi đường lv1?
Chiến thuật đổi đường lv1 (nếu mình nhớ không nhầm) đã trở nên phổ biến từ sau ván 1 giữa HLE và T1 tại chung kết nhánh thua của LCK Mùa Xuân 2024 vừa rồi. T1 đã quyết định lựa chọn Twisted Fate cho Zeus để có một kèo đấu áp đảo so với Doran tại đường trên. Twisted Fate đi đường rất ổn định và tăng tiến sức mạnh cực tốt nên những vị tướng như K’Sante chẳng thể làm gì và thường sẽ thua thiệt rất nhiều trong khoảng thời gian sau đó.
Tuy nhiên, HLE đã đảo đường và khiến Zeus cũng như T1 bị bất ngờ và không thể farm lấy lượng vàng hay thậm chí là kinh nghiệm khi đối đầu với đường dưới + rừng đối thủ. Ngược lại, K’Sante là một vị tướng chống chịu khá tốt nên có thể giảm được áp lực bị camp và gank nằm xuống sớm, từ đó có thể hít được kinh nghiệm…
Đó cũng là trường hợp tốt nhất mà một đội đổi đường mong muốn. Vậy chung quy lại, khi có một trong hai đường cánh thua thiệt hoàn toàn so với đối thủ, hoặc cả hai, đội thua thiệt sẽ thực hiện đảo đường để cân bằng sức mạnh cho hai cánh, thay vì phải cam chịu. Cánh thua bớt phải chịu áp lực đầu trận hoặc đơn giản hơn là swap lane tại một cấp độ nào đó mà đối thủ đạt ngưỡng sức mạnh tốt hơn để giảm thiểu thua thiệt.
Có một số dấu hiệu dễ nhận biết cho lối chơi đổi đường lv1 của các đội tuyển chuyên nghiệp như lựa chọn cặp bot + rừng đấu sĩ có khả năng dive trụ tốt, hỗ trợ như Nautilus, Alistar… Hay chủ động lựa chọn đường trên chống chịu dù đối thủ có lựa chọn những kèo counter… Chắc chắn họ sẽ thực hiện đổi đường để giảm thiểu sự thua thiệt và áp lực đi đường, thường là đội xanh sẽ chủ động đổi.
Đổi đường lv1 có hiệu quả hoàn toàn?
Mặc dù tác dụng khá rõ ràng như mình đã nói ở trên nhưng việc đổi đường lv1 đôi khi sẽ không hiệu quả hoàn toàn. Trong meta mà các đội đều đã nghiên cứu và phản ứng nhanh trước những tình huống đảo đường, việc 2 người chơi đường trên có thể hít kinh nghiệm là rất khó và trường hợp lý tưởng của HLE và T1 không còn xảy ra nữa. Hai đội sẽ chuyển sang lối chơi phá công trình trong giai đoạn đầu khi 2 đường cánh stack với nhau và đội đảo đường sẽ là đội chịu thua thiệt về mặt kinh tế.
Lý do đến từ việc trụ đường giữa và đường trên ngoài có Khiên Trụ tăng giáp và kháng phép để trụ lâu bị phá hủy hơn, sẽ còn có một nội tại Kiên Cố nữa. Nội tại này tại các trụ ngoài đường đơn sẽ hạn chế khả năng phá trụ khi giảm đi 50% sát thương từ mọi nguồn lên trụ trước phút thứ 5. Đó là lý do mà đội đổi đường lên đường trên luôn lấy trụ chậm hơn rất nhiều dù thường là đội chủ động tiếp cận và được phá trụ trước. Đội không đổi đường lv1 sẽ lấy trụ đường dưới nhanh hơn và ăn Khiên Trụ sớm hơn.
Tuy nhiên, các đội vẫn chấp nhận đổi đường để giảm tác động của các kèo đấu thua thiệt lâu nhất có thể dù cũng sẽ không có nhiều lợi thế hơn đối thủ, thậm chí là nhường con rồng đầu tiên dành cho đối thủ.
Xem thêm: Galio đường giữa “đi bộ vuốt râu” và 3 lối chơi điên rồ!!!
Chúng ta có thể học hỏi và áp dụng được gì?
Cá nhân mình thấy việc học hỏi là khá tốt nhưng để áp dụng vào các trận đấu xếp hạng hay thậm chí là chơi chung 5 người cũng rất khó. Bởi vì chúng ta sẽ phải giao tiếp liên tục, timing biến về, đảo đường ngược lại và phản ứng trước quyết định của đối thủ… Thậm chí đến các tuyển thủ chuyên nghiệp, SofM cũng đánh giá việc đổi đường lv1 và những cấp độ sau đó cũng cần sự phối hợp tốt giữa các tuyển thủ, dù chỉ là bất đồng ngôn ngữ giữa các khu vực đường cũng có thể khiến lối chơi này đổ bể.
Cùng với đó là cả những tình huống kết hợp gank và băng trụ liên tục nữa, chỉ cần một biến số sai là gần như trận đấu sẽ đi luôn, chưa kể chúng ta phải nắm bắt các kèo đấu cực kỳ tốt. Điều tốt nhất chúng ta có thể học hỏi đến từ việc xử lý các kèo đấu, đôi khi chúng ta không phải bó buộc bản thân vào một kèo đấu thua thiệt từ A tới Á.
Mà có thể nói với team rằng có thể đổi đường ở một giai đoạn nào sau đó để mình có cơ hội chơi game và đóng góp nhiều hơn trong một thời điểm thuận lợi. Đổi đường lv1 hoặc sau đó là meta và nếu đồng đội của bạn hiểu thì sẽ rất tuyệt phải không nào.