Toxic khi chơi game luôn là hành vi bị lên án nhưng phần lớn những người đã đạt được thành công đều đã từng toxic (nhiều) trong game.
Khi chơi các tựa game online có sự tương tác giữa người với người hành vi chúng ta thường gọi là Toxic luôn xảy ra. Nó làm mất sự đoàn kết, mất đi tinh thần thi đấu, chơi game của một hoặc một số người, có thể là cả chính người toxic. Tác hại rõ mồn một như vậy nhưng rất nhiều game thủ chuyên nghiệp, pro player và streamer hàng đầu các tựa game đều cho rằng “Chơi game phải toxic thì mới có thể tiến xa và trở thành pro được”. Liệu điều này có hoàn toàn chính xác?
Toxic là gì?
Về cơ bản, Toxic có nghĩa là độc hại, chỉ các chất độc nói chung như thuốc độc… cần tránh. Tuy nhiên toxic còn có nghĩa bóng ám chỉ những điều có ảnh hưởng xấu, tiêu cực cho người khác, tùy thuộc vào cảm nhận của cá nhân người nhận trong hoàn cảnh cụ thể. Nó có thể toxic với người này nhưng lại không toxic với người kia.
Ví dụ như chúng ta có mối quan hệ toxic như những người luôn chê cười những gì chúng ta làm, những hình ảnh chúng ta đăng tải, nội dung chúng ta chia sẻ, ganh ghét đố kỵ, đổ lỗi cho người khác… hay một số tình huống toxic khác mà chính họ cũng không quan tâm như việc rủ rê chúng ta vào những việc không lành mạnh như nói xấu người này chê bai người kia, họ gieo vào đầu chúng ta những suy nghĩ không mấy tốt đẹp.
Hay cả trong chuyện tình cảm đôi lứa cũng vậy, thật buồn khi trong một vài trường hợp người chúng ta thích lại không thích lại mình và điều đó ảnh hưởng tiêu cực với mỗi cá nhân theo một cách nào đó, có thể là rất toxic hoặc cũng không nếu chúng ta chấp nhận điều đó.
Toxic trong game và biểu hiện
Toxic trong game cũng là một khái niệm khá tương đồng. Nó vẫn sẽ là việc một người toxic, gây ảnh hưởng xấu và tiêu cực như việc thiếu văn minh trong giao tiếp, thái độ chơi game tiêu cực, chửi bới những sai lầm của người khác… Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người gây ra sự toxic lẫn cả phải hứng chịu điều đó bao gồm cả những đồng đội chung trận đấu trong các tựa game online như LMHT, CS:GO, Valorant…
Một số biểu hiện một người đang toxic trong game đầu tiên phải kể đến việc nói, phàn nàn quá nhiều về một pha xử lý, người chơi… nặng nề hơn có thể là chửi thề hay phá game. Việc nói to, gào thét, đập bàn ghế, chuột, bàn phím… khi chơi game cũng là một biểu hiện của người chơi thường xuyên toxic.
Nguyên nhân, hậu quả là gì?
Theo một số bài viết và ý kiến từ người chơi game, việc toxic không có một nguyên nhân nào cụ thể. Đó có thể là do tính cách của người đó dễ nổi nóng, tức giận, có thể là do sai lầm của người khác ảnh hưởng đến nhiều thứ và họ cũng đang làm quá vấn đề. Cũng có thể do mục đích chơi game của mọi người là khác nhau, những người toxic phần lớn đều rất try hard và nghiêm túc với trận đấu nên những người chơi không nghiêm túc, chỉ coi game như là một trò chơi giải trí đơn thuần.
Hay không đặt nặng vấn đề thắng thua sẽ thường là nguồn cơn của sự toxic vì họ thường thi đấu hời hợt, không có tinh thần đồng đội trong trận đấu. Hoặc đơn giản hơn là trong cuộc sống, chúng ta luôn có những ngày tồi tệ. Đi học đi làm không suôn sẻ, chơi game thì đen đủ đường, ăn không thấy ngon, ngủ không đủ giấc, chẳng có điều gì thuận lợi. Đó là lúc chúng ta cực kỳ dễ nổi nóng, “rage” với bất kỳ điều gì thiếu sót, những sai lầm của những người thân quen hoặc là cả xa lạ trong trò chơi.
Hậu quả của sự toxic không chỉ dành cho người nhận mà nó còn ở cả người gây ra nó. Chắc chắn cả hai sẽ mất đi phần nào đó sự bình tĩnh, thời gian và tâm lý trong trò chơi, mục tiêu chiến thắng cũng từ đó mà khó khăn hơn. Đấy là còn chưa kể đến những tình huống nặng nề hơn cả hai cùng nói và nó trở thành một cuộc tranh luận hay là “chửi nhau” um xùm…
“Từng toxic mới có thể chơi game pro hơn?”
Sau khi đã phân tích, toxic thực sự là một thứ gì đó rất là tiêu cực nhưng sao phần lớn pro player đều công nhận nó là điều cần để một người chơi có thể chơi game tốt hơn. Như mình đã nói, người toxic hầu hết đều là những người chơi rất quan tâm đến kết quả của trận đấu. Còn những người đã vào game để phá, cãi lộn, lấy đó làm thú vui và toxic thì chắc chắn họ chẳng quan tâm gì đến trò chơi và chỉ đang cố thỏa mãn một nhu cầu gì đó của bản thân thì chiếm một phần nhỏ mà thôi.
Vì là những người đặt nặng vấn đề thắng thua, người toxic thường rất try hard và mong muốn đồng đội mình cũng thi đấu tốt. Vì vậy những sai lầm thường sẽ bị rage, chỉ trích, không chỉ là chửi bới rằng “m chơi gà” chê trách thế này thế kia mà còn là nhắc nhở để tránh họ mắc lại lỗi sai đó và đương nhiên là cùng hướng tới chiến thắng. Chứ nếu chúng ta chỉ “ừ ừ không sao”, “nice try”… cho xong chuyện, sẽ rất khó để một người chơi có thể tiến bộ và bứt phá sau này.
Cùng với đó việc các hành động của việc toxic giúp người chơi giải tỏa được vấn đề tâm lý, bớt đi phần nào đó sự cay cú, đen đủi của bản thân trong trận đấu. Đó mới là điều quan trọng bởi vì tâm lý luôn là vấn đề quan trọng trong bất kỳ trò chơi đối kháng nào. Nếu bạn lo sợ, bực tức mà cứ giữ điều đó trong trận đấu là đã thua thiệt lớn so với đối thủ phía bên kia rồi.
Rất nhiều game thủ, pro player nổi tiếng có thể các bạn cũng biết đã từng chia sẻ về điều này ví dụ như Bomman tại tựa game CS:GO. Nổi tiếng là một người rất rất toxic khi chơi game và bình luận giải đấu (trước đây) nhưng cũng là một trong số ít người chơi có kiến thức về CS:GO thuộc dạng đỉnh nhất Việt Nam.
Hay một số pro player CS:GO, streamer khác như Hoag, Devzxje – Dev Nguyen trong các trận đấu hay tại một số giải như ESEA (2022) cũng cực kỳ toxic, rage với nhau nhưng cả hai thậm chí còn coi đó là một điều bình thường vì tất cả đều muốn giải tỏa áp lực và chiến thắng.
Đến những tuyển thủ ở các tựa game hiếm khi xảy ra sự toxic như ĐTCL, Thầy Feed TFT hay GD Feed cũng không ít lần chia sẻ về vấn đề này và khẳng định toxic là yếu tố cần để một người chơi có thể trở thành những người giỏi nhất và tiến xa hơn. Thậm chí, streamer Feed còn chia sẻ rằng đến SofM, một người khá hiền và ít nói cũng là một người khá toxic ở thời điểm anh còn thi đấu xếp hạng đơn đôi LMHT cùng với SofM vào những năm 2013-2015.
Tuy nhiên sự toxic sẽ không phải lúc nào cũng cần thiết và xảy ra, phần lớn sau khi những game thủ xuất sắc đó đều đã đạt được đỉnh cao, những thành tích được công nhận tại tựa game của mình, sự toxic gần như biến mất hoàn toàn. Họ hiểu, có đủ trải nghiệm và có thể kiểm soát được sự toxic đó của bản thân, không phải lúc nào cũng toxic mà chỉ dùng nó khi cần, trong một vài tình huống cụ thể hoặc nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ.
Xem thêm: Vị tướng hỗ trợ mạnh mẽ và thú vị nhất bạn có thể lựa chọn!
Vì vậy, toxic không phải là hoàn toàn xấu nhưng chúng ta cũng không nên lúc nào cũng toxic, rage với đồng đội. Hãy toxic đúng lúc để phát triển bản thân, tiến bộ hơn từng ngày.